Ngồi thiền 30 phút mỗi ngày – Trải nghiệm sau 6 tháng tập thiền

ngồi thiền 30 phút mỗi ngày

Hôm nay là tròn 6 tháng mình bắt đầu tập thiền, chính xác là từ ngày 01/2/2021. 6 tháng không phải là nhiều, đặc biệt đối với việc tập thiền, thường là cả một quá trình hàng năm, hàng chục năm. Nhưng nhìn lại hành trình của bản thân mình cũng không ngờ đã đi được đến đây. Trong suốt 6 tháng, mỗi ngày mình đều ngồi thiền, thường là 30 phút, ngay cả những khi ốm đau hay mệt mỏi, mình cũng chỉ giảm bớt thời gian ngồi thiền còn khoảng 15 phút, chưa bỏ qua ngày nào. Và có lẽ mình vẫn sẽ tiếp tục thiền, vậy nên bài viết này dành cho chính bản thân mình, là tổng kết quá trình đã qua, là động lực cho hành trình sắp tới và là những trải nghiệm cụ thể, gần gũi nhất cho những ai muốn bắt đầu hành trình tập thiền mà vẫn còn mơ hồ về nó.

Thiền là gì?

Thực ra đây là một câu hỏi khó đối với mình, bởi trạng thái thiền là một cái khá khó diễn tả mà chính bản thân mình cũng chưa thực sự đạt được trạng thái thiền một cách kỳ diệu như mọi người vẫn nghĩ. Với mình ở giai đoạn này, thiền chỉ đơn giản là một trạng thái thư giãn chủ động đối với tâm trí. Thư giãn đối với cơ thể có thể hiểu là khi bạn để cơ thể mình tự do, không cần điều khiển bất kỳ bộ phận nào. Thư giãn đối với tâm trí cũng vậy, là khi bạn để tâm trí mình tự do, bạn không điều khiển những suy nghĩ của mình.

Thực tế thì hầu hết thời gian, tâm trí của bạn không được tự do mà thường bị chính bạn ép phải tập trung vào một cái gì đó. Giống như khi bạn xem phim, là bạn đang điều khiển tâm trí của mình chú tâm vào bộ phim, khi bạn nói chuyện, là bạn đang điều khiển tâm trí của mình chú tâm vào cuộc trò chuyện hay như hiện tại, bạn đang chủ động đặt tâm trí của bạn lên những dòng chữ này.

Nhưng cũng may mỗi ngày chúng ta đều ngủ, ngủ cũng chính là lúc tâm trí bạn được thư giãn, nếu không có thời gian nghỉ ngơi này, chắc tâm trí chúng ta cũng lao lực mà chết mất thôi. Cũng chính vì vậy mà một trong 2 trạng thái gần với thiền nhất được xác định chính là khi chúng ta ngủ. Nhưng ngủ là thư giãn một cách bị động, còn thiền là thư giãn chủ động. Và thường thì cái gì chủ động cũng có tác dụng tốt hơn, khi đó, bạn vẫn hoàn toàn ý thức được về những gì xảy ra xung quanh bản thân mình, kể cả những suy nghĩ trong đầu, bạn vẫn có thể nhận biết được nhưng không tác động, ép buộc gì lên những suy nghĩ ấy. Chúng đều là những suy nghĩ tự nhiên, tự đến, tự đi, từ chính tâm trí của bạn.

Nhiều người cho rằng, thiền là không suy nghĩ bất kỳ thứ gì. Điều này cũng đúng, nhưng không phải đúng với tất cả mức độ thiền. Đừng áp đặt điều gì lên tâm trí của bạn, khi trong tâm trí bạn vẫn còn ngổn ngang những lo lắng, những suy tư thì cũng đừng ép nó phải không suy nghĩ gì hết, cứ để những suy nghĩ ấy đến, và chính bạn cũng sẽ hiểu hơn về bản thân mình, những gì ẩn sâu trong lòng bạn. Khi tâm bạn hoàn toàn không vướng bận, thì những suy nghĩ ấy cũng sẽ dần tan đi.

Tại sao mình lại ngồi thiền

Có một điều mình chắc chắn là Thiền dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần thiền, vì vậy đừng cố ép bản thân ngồi thiền, nếu việc ngồi Thiền đối với bạn quá khó khăn hay khổ sở thì có thể ngay lúc này bạn chưa cần thiền. Hãy nhớ, thiền là để bạn hạnh phúc hơn!

Còn đối với mình, lý do lớn nhất mình đến với thiền là để hiểu rõ bản thân mình hơn. Mình đã từng rất chênh vênh, không hiểu bản thân mình muốn gì, không có mục tiêu hay định hướng trong cuộc sống, không biết giá trị của bản thân nằm ở đâu, không thấy thật sự vui buồn, hứng thú hay mong chờ điều gì. Mọi thứ đều rất trống rỗng và mơ hồ, mơ hồ với hàng vạn câu hỏi vì sao đã xuất hiện trong đầu mình từ khi còn rất nhỏ. Mình vẫn nhớ cảm giác ấy, khi mình chỉ khoảng 5 tuổi, đứng trên lan can ban công tầng 2 của nhà ông bà ngoại, nhìn xuống mọi người bên dưới, một đứa bé 5 tuổi đã rất thắc mắc tại sao mình lại nhìn mọi người qua đôi mắt này, tại sao mình không ở trong đôi mắt khác và nhìn về đứa bên trên ban công ấy?

Những câu hỏi vu vơ đều rơi vào quên lãng khi cuộc sống có quá nhiều thứ phải chú tâm, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ chuyện học hành đến chuyện tối nay ăn gì. Cuộc sống có thể cuốn chúng ta đi xa khỏi nơi mà chúng ta thuộc về. Mình nhận ra điều ấy là khi mình đã đạt được hầu hết những thứ mình đặt ra. Nhưng mình không cảm thấy hạnh phúc. Và đương nhiên rồi, việc thừa nhận bao nhiêu cố gắng, nỗ lực, thời gian và công sức của bản thân là vô ích thực sự rất khó khăn, hành trình chấp nhận bản thân cũng đầy chông gai.

Trong lúc bế tắc và chán nản nhất, mình đã tìm đến những biện pháp trị liệu tâm lý, không phải là cái gì đấy quá kinh khủng hay kỳ bí, khoa học tâm lý là những thứ vốn hiện hữu, chỉ là ít người trong chúng ta quan tâm mà thôi. Và một trong những cách rèn luyện tâm trí, nâng cao tần số năng lượng của bản thân tốt nhất chính là Thiền. Mặc dù biết vậy nhưng cũng phải mất một khoảng thời gian rất dài từ khi bắt đầu nói chuyện với Coach, mình mới đủ dũng khí, đủ duyên để bắt đầu.

Find your own path - Thiền để hiểu chính bản thân mình và tìm ra hướng đi cho bản thân
Find your own path – Thiền để hiểu chính bản thân mình và tìm ra hướng đi cho bản thân

Cách ngồi thiền

Có rất nhiều trường phái thiền khác nhau, và dưới đây mình chỉ đơn giản là chia sẻ cách mình ngồi thiền, nó không phải là khuôn mẫu chuẩn cho việc ngồi thiền cũng như không chắc sẽ phù hợp với tất cả mọi người.

Có 3 yếu tố trong việc ngồi thiền

  • Tư thế: Tư thế khi ngồi thiền cơ bản sẽ là ngồi khoanh chân (hoặc Kiết già, bán già nếu bạn có thể), ngồi thẳng lưng; tay đặt ngửa trên đầu gối, khẽ chạm ngón cái vào ngòn trỏ, hoặc đặt tay ngửa trong lòng; đầu hơi cúi để thư giãn các đốt sống cổ. Ban đầu, vì đã tập Yoga nên mình cứng nhắc cho rằng phải ngồi thẳng như khi tập yoga và viêc này khiến mình bị đau vai trong những buổi tập đầu tiên. Sau đó mình học cách thả lỏng cơ thể hơn, để cơ thể tự điều chỉnh về tư thể thoải mái nhất. Nếu thấy cảm giác khó chịu, bạn cứ nhẹ nhàng điều chỉnh và tìm cho mình tư thế phù hợp nhé.
  • Hơi thở: Khi mới bắt đầu, hãy hít thở sâu và cảm nhận hơi thở từ mũi, qua họng, tràn đầy khoang ngực rồi tới bụng, thở ra ép chặt thành bụng và cảm nhận khí đi ra theo chiều ngược lại. Thực tế trong hô hấp, không khí chỉ có thể đi tới phổi, nhưng bạn vẫn có cảm giác ở vùng bụng khi hít vào, đó là khái niệm khí trong khí công, khí chính là ý nghĩ. Sau 5-10 nhịp thở, bạn có thể thả lỏng, để hơi thở tự nhiên. Việc thở chính là một trong những việc hiếm hoi khi chúng ta không điều khiển vẫn sẽ diễn ra, vì vậy cảm nhận được hơi thở là việc rất quan trọng trong khi tập thiền. Nhưng cái khó là khi chúng ta nghĩ về việc thở, ngay lập tức sẽ trong vô thức mà điều khiển hơi thở của mình. Vậy nên để cảm nhận được hơi thở mà không điều khiển nó cần một quá trình luyện tập dài. Bạn đừng quá chú tâm vào việc thở, hãy cứ để suy nghĩ của mình diễn ra tự nhiên, sẽ có những khoảnh khắc bạn nhận ra nhịp thở của mình.
  • Tâm trí: Khó hơn cả cảm nhận hơi thở chính là cảm nhận được tâm trí, suy nghĩ của bản thân. Khi không điều khiển tâm trí, vẫn sẽ có rất nhiều suy nghĩ diễn ra trong đầu bạn, việc của bạn là không làm gì cả. Không xua đuổi những suy nghĩ xấu, cũng không cố bám theo những suy nghĩ tốt, ngay cả việc đánh giá tốt hay xấu cũng không, bạn chỉ đơn giản là biết những suy nghĩ ấy hiển hiện, ghi nhận nó. Hãy tưởng tượng bạn như một người ngoài cuộc, đứng đó nhìn những suy nghĩ chảy qua tâm trí bạn mà thôi. Và giữa những dòng suy nghĩ ấy, sẽ có những lúc bạn cảm nhận được những khoảng lặng, khoảng lặng ấy sẽ ngày một dài và rõ ràng hơn. Hãy quan sát và cảm nhận mọi sự thay đổi dù là nhỏ nhất của cơ thể cũng như tâm trí.

Mình thường ngồi thiền bằng app Thiền đương đại. Khi sử dụng app bạn sẽ được hướng dẫn tư thế cơ bản cho việc ngồi thiền, cách thở và lời dẫn để bắt đầu thiền. Mình thường chọn thiền với nhạc, không có lời dẫn qua app để được báo hiệu giờ kết thúc.

Thả lỏng cơ thể, thư giãn và cảm nhận khi ngồi thiền

6 tháng ngồi thiền mình nhận được gì

Người đầu tiên trong đời mình gặp đã thực sự thiền là một giáo viên Tiếng Anh già – Mr. Mo, một nhà trí thức thật sự mà mình rất kính trọng, năm đó ông đã 70 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, mặc dù bị bệnh đau lưng rất nặng nhưng ông vẫn tập thiền mỗi ngày, ông nói một câu nói mà đến giờ mình vẫn nhớ: “Một tiếng thiền bằng ba tiếng ngủ”. Ấy nhưng khi đó mình mới 20 tuổi, dù rất ấn tượng nhưng mình nghĩ việc ngồi thiền chưa dành cho mình.

Bạn có thể tìm thấy hàng tá công dụng của ngồi thiền, từ giúp cơ thể khỏe mạnh, đến giúp tinh thần phấn chấn, trí não sáng suốt, nhưng thực lòng, đọc những dòng đấy đến mình còn cảm thấy hơi siêu thực, có thể có những người sẽ đạt được tới cảnh giới đấy nhưng chắc chắn sẽ phải mất rất rất nhiều thời gian mới đạt được những cảm giác ấy mà phàm là cái gì xa quá thì cũng dễ nản. Mình sẽ kể ra cho các bạn những cảm nhận thực tế nhất sau 6 tháng ngồi thiền

  • Cảm nhận về cơ thể: Đừng nghĩ ngồi Thiền là không mệt nha, ngồi thiền cũng mệt đó, đương nhiên không phải cảm giác mệt như khi vận động thể thao hay như khi bị ốm. Khi ngồi thiền mình có thể cảm nhận được cơ thể nóng lên rất rõ ràng, về cơ bản thì mình là đứa dễ bị lạnh, nhưng khi ngồi thiền một lúc thì sẽ dần cảm thấy nóng. Bên cạnh đó mình cũng dần cảm nhận được khí đi trong cơ thể. Khi đưa ý nghĩ tới nơi nào, mình có thể từ lờ mờ đến rõ rệt cảm thấy phản ứng từ nơi đó, từ những bộ phận bên ngoài dễ nhận biết như tay, chân, tới những bộ phận bên trong như tim, phổi, dạ dày.
  • Hơi thở sâu hơn: Trước đây mình từng rất hay bị hụt hơi, đã đi khám nhưng không biết nguyên do từ đâu, nhưng trạng thái không thể hít sâu, hơi thở nghẽn ở cổ rất hay xảy ra. Cũng có thể nhờ thiền kết hợp với Yoga mà tình trạng này đã giảm đi đáng kể.
  • Tác dụng đối với trí não: Rất nhiều người khi bắt đầu thiền hay bị rơi vào trạng thái ngủ gật, nhưng mình thì ngược lại, ngay khi bắt đầu thiền, mình đều cảm thấy rất tỉnh táo sau khi thiền xong. Thậm chí vì thường xuyên phải thiền vào tối muộn, mình rất khó ngủ ngay sau đó. Ngay cả khi cơ thể mệt mỏi, đầu óc lơ mơ như có sương mù, nếu có thể bắt đầu ngồi thiền, mình luôn cảm thấy khá hơn, tỉnh táo hơn sau đó.
  • Tác dụng đối với tâm lý: Dù chưa thực sự thoát khỏi trạng thái chênh vênh, tìm được mục tiêu và ý nghĩa trong cuộc sống nhưng mình cảm thấy đỡ bế tắc hơn, nhìn nhận và chấp nhận bản thân mà không bị ràng buộc bởi định kiến. Mình nghĩ nhận thức được hiện tại là bước đầu tiên để có thể làm bất kỳ điều gì, vì vậy mình tin việc luyện tập thiền sẽ có nhiều tác dụng đối với tâm lý hơn nữa.

Có thể các bạn sẽ nghĩ thật là chẳng có gì đặc biệt cả, hừm, ừ thì đúng rồi đó, không có gì quá đặc biệt, nhưng “Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân”, mình trân trọng từng cảm nhận nhỏ nhất của bản thân. Nếu quá để ý tới những cái đích quá lớn và xa xôi bạn sẽ cảm thấy rất chán nản với mỗi milimet mỗi ngày. Hãy cứ bắt đầu và cảm nhận, tận hưởng hành trình và mọi thứ sẽ đến vào đúng thời điểm.

Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân.

A journey of a thousand miles begins with a single step

千里之行,始於足下

Lão Tử

Lưu ý khi bắt đầu ngồi thiền

Toàn bộ quá trình thiền trong suốt 6 tháng mình đều tự tập, chỉ khi có câu hỏi, vấn đề thắc mắc mới nhờ Coach giải đáp, mình cũng rất muốn sẽ tham gia một khóa thiền trong tương lai, nhưng có vẻ với tình hình dịch Covid như hiện nay thì phải đợi khá lâu nữa. Trong khi tự mày mò, mình đã nhận ra một vài điều có thể rất có ích cho người mới bắt đầu:

  • Việc bị tê chân khi ngồi thiền là bình thường, ai cũng sẽ bị, dần dần bạn sẽ ngồi được lâu hơn, ít cảm thấy khó chịu hơn.
  • Đừng quá để ý đến việc bạn ngồi thiền đúng hay không. Mình, vốn là đứa rất hay tìm hiểu lý thuyết trước khi bắt tay vào làm, và lý thuyết về việc thiền đúng là quá mông lung, giữa quá nhiều luồng ý kiến, mình đã từng rất băn khoăn không biết mình làm đúng hay chưa. Và Coach đã nói với mình: Miễn là bạn còn tiếp tục ngồi thiền, là bạn đang làm đúng. Phải, không có đúng hay sai, nếu bạn bỏ cuộc, chính là đã làm sai, còn nếu vẫn có thể tiếp tục, thì bạn đang làm đúng.
  • Hãy thử và tìm ra cái phù hợp nhất với mình. Như mình đã nói ở trên, có quá nhiều cách ngồi thiền, quá nhiều trường phái thiền, vậy nên bạn có thể thử và cảm nhận cách nào hợp với mình nhất.
  • Thiền trong một không gian mà bạn cảm thấy an toàn, tốt nhất nên là nơi thoáng đãng, đủ ánh sáng. Thiền trong một không gian quá rộng và tối có thể khiến bạn lo lắng, tạo ra những cảm giác không tốt.
  • Không nên thiền quá khuya: Lý do như phía trên mình đã nói, sau khi thiền mình thường cảm thấy rất tỉnh táo và vì vậy khó mà đi ngủ. Ngày thường phải đi làm công sở nên mình cũng hay phải thiền muộn, dẫn tới việc hay thức khuya, thời gian này đang nghỉ giãn cách nên cũng may là mình có thể thiền vào buổi sáng, cảm giác tỉnh táo và có năng lượng làm việc hơn rất nhiều.
  • Tập một vài động tác Yoga đơn giản sau khi thiền giúp mình cảm thấy khỏe khoắn hơn, đặc biệt là giải quyết tình trạng tê chân đã nêu ở trên. Tập xong là hết tê chân nè.
  • Thiền theo nhóm sẽ có tác dụng tốt hơn: À cái này mình chưa được trải nghiệm, nhưng rất nhiều người đã nói như thế, khi cùng tập trung, cộng hưởng tần số sẽ giúp bạn dễ đạt được trạng thái thiền. Nếu có điều kiện mình sẽ thử và viết cảm nhận cụ thể hơn nha.

Thường sau khi bắt đầu thiền 06 tháng, bạn mới cảm nhận được những thay đổi của bản thân, sau 1 năm có thể nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt và có rất nhiều cột mốc tiếp theo để đạt tới những trạng thái thiền cao hơn. Hẹn các bạn 6 tháng nữa, mình sẽ có bài viết về hành trình 1 năm tập thiền nhé. Trong thời gian đó, theo dõi những trải nghiệm khác của mình tại đây nhé.

Chúc mọi người, dù có đang trên hành trình thiền định hay không, luôn tìm được chốn bình yên cho chính mình!

PS: Trạng thái thứ 2 gần với Thiền nhất được cho rằng đó là khi Yêu đó các bạn! Hihi

Rosie.A

Viết cho những bài học đã qua, viết cho những hành trình để nhớ, viết cho những nghĩ suy chưa bao giờ dừng.
Fb: www.facebook.com/august.sun.92/
Tiktok: www.tiktok.com/@august_sun92/

Recommended Articles

1 Comment

  1. […] đã viết rất kỹ về việc tập thiền mỗi ngày, các bạn xem tại đây […]

Comments are closed.