Gối trái dựa cung đình Huế của cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ

Gối trái dựa cung đình Huế của cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ

Tình cờ biết đến cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ – người nghệ nhân cung đình cuối cùng gìn giữ cách làm gối trái dựa cung đình Huế, và hành trình gian nan của cụ để lưu giữ nghề, lưu giữ một nét văn hóa Việt Nam, mình đã ngay lập tức bị ấn tượng phải đi tìm hiểu về Gối trái dựa. Và khi thật sự được cầm chiếc gối này trên tay, mình cảm thấy thật may mắn, may mắn vì cụ vẫn tâm huyết với nghề, để giữa cuộc sống hiện đại ngày hôm nay, một thường dân áo vải như mình có cơ hội được sở hữu chiếc Gối trái dựa – một vật phẩm cung đình thật sự.

Gối trái dựa được làm thủ công hoàn toàn với những hoa văn tinh tế, sắc nét, đậm chất hoàng gia phong kiến. Tuy rằng việc lưu giữ và truyền bá văn hóa cung đình Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ khiến cho ấn tượng về hoàng cung trong mình rất nhạt nhòa. Hoàng cung Việt Nam cứ như một truyền thuyết, một câu chuyện kể không có thực cho tới khi mình thực sự được chạm vào Gối trái dựa, mình đã có những cảm nhận rất mạnh mẽ, rất chân thực về một triều đại, một thời kỳ lịch sử văn hóa trải dài hàng nghìn năm của dân tộc.

Gối trái dựa màu vàng truyền thống của cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ

Xem thêm review tất tần tật về du lịch Huế

Đôi nét về cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ

Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ là một trong những nghệ nhân cung đình cuối cùng của Việt Nam, nay đã gần 100 tuổi. Bà vốn xuất thân dòng dõi Hoàng tộc, được vào cung học may vá thêu thùa và chính tay may gối cho Vua Bảo Đại, đức Từ Cung (Hoàng Thái hậu Từ Cung) và được sử dụng trong Đại nội Huế.

Sau này, khi triều đại phong kiến kết thúc, việc làm gối trái dựa cũng không còn mấy ai nhớ đến, duy chỉ có cụ, vì tiếc cho một sản phẩm văn hóa Việt Nam mà đau đáu trong lòng. Kinh tế khó khăn cụ còn không thể mua bông và những mảnh gấm hoa văn thật đẹp, cụ đành tận dụng những mảnh vải còn thừa từ việc may áo dài để may gối cho đỡ nhớ nghề. Vì vậy, dù sức khỏe ngày một yếu, cụ vẫn mong mỏi truyền nghề cho con cháu, cụ lo sau này không còn ai biết làm gối trái dựa của cha ông nữa.

Những năm gần đây, sau khi được truyền thông đưa tin, cụ lại được làm những chiếc Gối trái dựa hoàn chỉnh, đẹp đẽ nhất để đưa chiếc gối đến với nhiều người hơn. Mỗi khi nhìn hình ảnh cụ, người đã gần 100 tuổi mà vẫn cầm kim chỉ tỉ mẩn khâu từng chiếc gối, cụ cười móm mém, ánh mắt ánh lên niềm vui khi được làm công việc mà cụ yêu thích, mình đều rất xúc động. Xúc động phần vì cụ rất giống bà ngoại mình, phần vì mình cảm nhận được niềm hạnh phúc của cụ khi việc cả đời cụ gìn giữ, cuối cùng, cũng đã lan tỏa được đến mọi người, dù ít hay nhiều, chỉ cần được cầm cây kim, cái kéo may gối, là cụ hạnh phúc!

(Đọc thêm bức tâm thư của con cái cụ để hiểu hơn về cụ tại đây)

Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ may Gối trái dựa – Ảnh: Tôn Thất Hưng

Gối trái dựa là gì?

Gối trái dựa hay còn gọi là gối xếp, gối tựa là loại gối dùng để tựa tay, tựa lưng hoặc gối đầu khi ngồi bệt trên sập, trên phản hay chiếu, phổ biến trong giới quý tộc, vua chúa, quan lại thời xưa. Với thói quen ngồi bệt khi đọc sách, ngâm thơ, uống rượu, uống trà, nghỉ ngơi… gối tựa là một trong những vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người Việt xưa.

Gối trái dựa - gối xếp trong tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ
Gối trái dựa – gối xếp trong tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ

Đây là loại gối được ghép từ nhiều lá (thường là 4-5 lá) để có thể điều chỉnh chiều cao một cách linh hoạt tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng. 

Vỏ gối được may bằng các loại gấm thêu hoa văn họa tiết cung đình xưa như rồng, phượng, hoa văn thủy ba… Loại gấm mà cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ sử dụng để may gối đều là loại gấm cao cấp, màu sắc cực kỳ sáng và sắc nét.

Ruột gối được khâu thành từng hộc, nhồi bông thật chặt và chắc chắn để tạo hình chiếc gối được vuông góc, khi đỡ trọng lượng toàn bộ cơ thể cũng không bị xô lệch. 5 lá ruột gối ghép lại thành hình chiếc gối hoàn chỉnh.

Ngoài ra có khi còn có một lớp áo gối là tấm vải vừa vặn với khổ gối, có dây buộc để tiện bảo vệ và vệ sinh gối.

Cơ bản mối chiếc gối trái dựa gồm 5 lá nặng 2,5kg, có kích thước cơ bản 32x30x20cm

Ý nghĩa của Gối trái dựa

Ngoài ý nghĩa văn hóa lịch sử, Gối trái dựa còn có ý nghĩa cầu phúc và may mắn. Chiếc gối truyền thống cơ bản được ghép từ 5 lá, theo thứ tự màu xanh dương – đỏ – vàng – trắng – xanh lục, ứng với 4 chữ sinh – lão – bệnh – tử rồi lại sinh. 2 đầu đều là màu xanh, một cách chơi chữ rất hay với chữ sinh hay sanh (giọng Huế).

“Người ta ngồi mục đích là chọn chữ sanh (sinh) mà ngồi. Đầu cũng sanh mà đuôi cũng sanh”

Trích lời cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ

Xem clip phỏng vấn cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ do VTV thực hiện tại đây.

Gối trái dựa trong tranh cổ thời Nguyễn - Chơi đàn trên sập
Chơi đàn trên sập – tranh cổ thời Nguyễn

Trải nghiệm thực tế khi sử dụng

Mình đã đặt 1 chiếc gối để tặng bố nhân dịp sinh nhật vì bố mình là người thích không gian truyền thống, nhà cổ, sập gụ tủ chè… Bố còn thích đánh bài, đánh chắn vui vui nữa, nên mình nghĩ có chiếc gối kê tay sẽ rất oách 😀 

Mình chọn mẫu gối tựa truyền thống với họa tiết rồng màu hỏa hoàng (vàng cam), 5 cạnh rồng 5 màu cùng một chiếc áo gối họa tiết chữ thọ nâu đỏ để tiện sử dụng và bảo quản gối. 

Sau khi đợi khoảng hơn 1 tuần lễ, mình được nhận hàng và ngay khi hồi hộp mở ra mình đã phải bất ngờ trước màu sắc, họa tiết cực kỳ sáng, bắt mắt và đậm chất hoàng gia. Chiếc gối thực sự nặng các bạn ạ, dù đã tìm hiểu và biết cân nặng cỡ 2,5kg nhưng cảm giác khi cầm trên tay vẫn rất khác biệt, nặng và chắc chắn. Từng đường kim mũi chỉ đều rất chỉnh chu và tinh tế. Đẹp tới mức không nỡ dùng, chỉ muốn nâng niu đem cất đi thôi các bạn ạ <3

Ứng dụng của Gối trái dựa trong cuộc sống hiện đại

– Gối trái dựa vẫn phù hợp nhất với khung cảnh truyền thống như nhà cổ, nhà thờ, những nơi có kê sập, phản hoặc ghế gỗ dài. Đối với người Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là phong tục truyền thống phổ biến, vì vậy trong những gian thờ cúng, nhà thờ có một chiếc Gối trái dựa vừa để sử dụng và làm đồ vật trang trí rất đẹp mắt.

– Làm quà tặng cho bố mẹ, ông bà, những người lớn tuổi vừa ý nghĩa, vừa tiện dụng, đảm bảo mọi người sẽ thích.

– Đặc biệt phù hợp để làm gối kê tay khi ngồi chiếu chơi bài mỗi dịp Tết đến, vừa đỡ mỏi lưng, vừa nhiều may mắn 😀

– Ngoài những công dụng chính, Gối trái dựa với màu sắc, trang trí nổi bật và đẹp mắt còn rất phù hợp cho các bạn nữ chụp những bộ ảnh áo dài, cổ phục, cổ trang.

Sau khi tặng bố xong mình cũng phải tranh thủ chụp ngay vài bức ảnh với gian nhà thờ kiểu cổ của bố 😀

Gối trái dựa màu vàng họa tiết rồng truyền thống của cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ

Cách đặt mua Gối trái dựa của cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ

Ngay khi biết về cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ và chiếc gối đặc biệt này, mình đã rất muốn tìm mua, tuy nhiên thời gian đó thực sự là không có cách nào liên hệ với cụ để đặt mua. Bẵng đi một thời gian, mình tình cờ thấy bài viết được chia sẻ của Journeys in Hue Tour là một nhóm các bạn trẻ rất yêu thích và tâm huyết với những nét văn hóa cung đình Huế, văn hóa truyền thống Việt Nam, trong đó có Gối trái dựa của cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ. Để nhiều người biết đến hơn, các bạn ấy đã thay cụ nhận đơn, đóng gói và vận chuyển chiếc gối đến với người đặt khắp mọi miền Tổ Quốc.

Giá chiếc gối màu vàng truyền thống mình đặt là 1.800.000đ, áo gối dao động từ 50-100.000đ, phí đóng gói và ship ra tới Hà Nội là 120k.

Mình đặt khá gấp nhưng vẫn được các bạn hỗ trợ, tư vấn rất nhiệt tình để mình có được món quà tặng sinh nhật bố thật ý nghĩa. Ngoài việc đặt gối, Journeys in Hue còn có rất nhiều bài viết hay về Huế và văn hóa Việt, mình thực sự rất vui khi gặp được những bạn trẻ có nhiệt huyết và tấm lòng yêu mến, gìn giữ văn hóa như vậy.

Cuối cùng, nếu các bạn đọc được bài viết này và có điều kiện thì hãy đặt mua một chiếc Gối trái dựa nhé, không chỉ là một chiếc gối, đó còn là văn hóa Việt Nam! Mình thậm chí còn rất muốn bay vào Huế để được trực tiếp gặp được cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ và học cụ cách may Gối trái dựa. Hẹn ngày dịch covid qua đi, chúng ta gặp nhau ở Huế 😀

Gối trái dựa của cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ
Hình ảnh cô gái hạnh phúc khi có được chiếc gối tuyệt đẹp

Rosie.A

Viết cho những bài học đã qua, viết cho những hành trình để nhớ, viết cho những nghĩ suy chưa bao giờ dừng.
Fb: www.facebook.com/august.sun.92/
Tiktok: www.tiktok.com/@august_sun92/

Recommended Articles