Cố đô Huế – Tổng quan du lịch Thành phố Huế

Lăng Minh Mạng - Cố đô Huế

Người ta thường nói Cố đô Huế rất buồn nhưng với tôi mà nói, Huế luôn là nơi mang nhiều dấu ấn của tuổi trẻ. Bởi lẽ sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chúng tôi từ ngày bước chân vào trường, luôn mong chờ được đến Huế. Vào năm học thứ 4, chúng tôi sẽ được đi Huế theo môn học Tham quan của Khoa. Và các bạn biết đấy, một lũ sinh viên đi với nhau thì còn gì mà nói nữa. Lần đầu tiên đến Huế ấy khiến tôi dành nhiều tình cảm cho thành phố này, nhưng thực sự thì đến lần thứ 2 tới Huế, tôi mới có cơ hội khám phá Cố đô Huế.

1. Tổng quan du lịch Cố đô Huế

Bản đồ Tổng quan du lịch Cố đô Huế
Bản đồ Tổng quan du lịch Cố đô Huế

Lần thứ 2 đến Huế, với sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về thành phố này, mình thực sự bị bất ngờ, bất ngờ vì tại sao Huế có quá nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như vậy mà vẫn chưa được khai thác? Tổng quan tại Huế có 5 tuyến du lịch chính, mình sắp xếp theo khoảng cách từ gần đến xa để thuận tiện cho những bạn có ít thời gian tham quan Huế

  • (1) Trung tâm Cố đô Huế
  • (2) Cung đường đi Làng Hương – Lăng Tự Đức – Đồi vọng cảnh
  • (3) Cung đường đi Chùa Huyền Không Sơn Thượng
  • (4) Cung đường đi Lăng Khải Định – Lăng Minh Mạng – Lăng Gia Long
  • (5) Cung đường đi Biển Thuận An

Trên 5 cung đường này là phần lớn các điểm du lịch nổi tiếng tại Huế, có di tích, thậm chí là những di tích có giá trị nhất Việt Nam, có làng nghề, có sông, có núi, có biển, có suối khoáng, có phố cổ, có chùa chiền,… Huế có tất cả những thứ mà người ta ao ước để làm du lịch. Thế nhưng bao nhiêu năm qua Huế vẫn như vậy, vẫn là một thành phố chậm rãi, yên bình như chính dòng sông Hương. Vậy nên đến Huế, các bạn đừng vội vàng mà hãy dành thời gian khám phá Huế thật thong thả để cảm nhận được đúng chất Huế nhất nhé!

1. Trung tâm Cố đô Huế

Trung tâm Cố đô Huế là nơi mà ai cũng sẽ phải tới khi đặt chân đến Huế, bởi lẽ Thành phố Huế khá nhỏ, khu vực Trung tâm là nơi sầm uất nhất và cũng có nhiều khách sạn, homestay để nghỉ chân. Còn trên các cung đường khác, trừ Biển Thuận An, hầu hết các di tích như lăng tẩm, đền chùa đều được xây dựng trên núi, cách khá xa khu dân cư.

Mặt khác, Trung tâm Thành phố Huế cũng có những điểm du lịch nổi tiếng nhất, cùng khám phá nhé!

Đại nội – Kinh thành Huế và Bảo tàng cổ vật Cung đình Cố đô Huế

Ngọ môn Đại nội Cố đô Huế
Ngọ môn Đại nội Cố đô Huế

Hoàng thành Huế hay Thuận Hóa Hoàng thành thường được gọi một cách gần gũi là Đại Nội. Đại Nội là nơi các vị Vua triều Nguyễn trước đây ở và thiết triều, cùng rất nhiều các hoạt động quan trọng khác của Hoàng thất, chính quyền phong kiến. Chính vì vậy, Đại nội vô cùng đẹp và lộng lẫy với những công trình được sơn son thiếp vàng, phủ mái ngói hoàng lưu ly dành riêng cho Vua chúa. Công trình vĩ đại nhất lịch sử triều Nguyễn được xây dựng trong vòng 30 năm từ năm 1804 (Vua Gia Long) tới năm 1833 (Vua Minh Mạng)

  • Giá vé vào cửa: 200.000 đồng/vé người lớn, 40.000 đồng/vé trẻ em từ 7-12 tuổi (đã bao gồm vé tham quan Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế)
  • Giờ mở cửa: 7h – 17h
  • Thời gian tham quan: 2-3 tiếng.

Hướng dẫn chi tiết tham quan Đại nội Huế tại đây

Trường Quốc học Huế

Trường Quốc học Huế hay còn gọi là Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học là một trong những ngồi trường lâu đời nhất tại Việt Nam với hơn 126 năm tuổi. Nằm ở vị trí vô cùng đẹp ngay tại trung tâm Thành phố Huế, bên bờ sông Hương, Trường Quốc học Huế nổi bật với màu sơn đỏ và nét kiến trúc Đông Dương độc đáo.

  • Giá vé vào cửa: Miễn phí
  • Giờ mở cửa: Buổi trưa từ 11h-1h; buổi chiều sau 5h; Thứ 7 và chủ nhật mở cửa tham quan cả ngày (Vì là trường học nên không được tham quan vào giờ học nè)
  • Thời gian tham quan: 30′ – 1 tiếng.
Trường Quốc học Huế với màu đỏ nổi bật bên bờ sông Hương

Thật sự mà nói, Trường Quốc học Huế xứng danh là một trong những trường THPT xịn xò nhất Việt Nam, còn xịn hơn trường Đại học của mình nữa kìa ahuhu

Một điều khá thú vị nữa là ngay cạnh Trường Quốc học Huế là trường THPT Hai Bà Trưng, hiện nay cả 2 trường đều nổi tiếng là trường học tốt nhất tại Huế cho tất cả mọi học sinh, nhưng trước kia Trường Quốc học Huế chỉ dành cho nam giới và Trường THPT Hai Bà Trưng chỉ dành cho nữ giới, hay còn gọi là Trường Nữ sinh Đồng Khánh.

Khung cảnh bên trong Trường Quốc học Huế

Sông Hương – Cầu Trường Tiền

Bạn có thể ngồi thuyền rồng trên sông Hương nghe nhã nhạc cung đình Huế và thả đèn lồng hoặc đi tản bộ dọc sông Hương, ngắm cầu Trường Tiền – cây cầu biểu tượng của Thành phố Huế.

Cầu Trường Tiền trên dòng sông Hương
Cầu Trường Tiền trên dòng sông Hương

Đặc biệt nhã nhạc cung đình Huế rất hay nhé, các nghệ nhân biểu diễn ca Huế và các loại nhạc cụ dân tộc, đặc biệt có múa chén rất đặc sắc. Thực sự là nghe trực tiếp hay hơn rất rất nhiều so với xem trên tivi hay youtube

  • Giá vé: 100k/người/lượt
  • Giờ mở cửa: Buổi tối từ 18h-20h
  • Thời gian tham quan: 50′ (nhớ đến sớm 15′ để lên thuyền)

Phố cổ Huế (nội thành Cố đô Huế)

Ở Huế cũng có vùng nội thành và ngoại thành. Nhưng khác với các thành phố khác, khi nội thành là khu vực sầm uất còn ngoại thành thường là vùng khá xa trung tâm. Nội thành ở Huế là khu vực phía trong thành cổ, hay còn gọi là phố cổ, được bao xung quanh bởi hệ thống hào, mương và tường thành để phòng thủ. Chính vì vậy nên khu vực nội thành có rất nhiều di tích, công trình cổ được bảo tồn, không được phép xây dựng quá 3 tầng khiến cho khu vực này không quá sầm uất. Còn ngoại thành lại là nơi đông vui nhộn nhịp hơn, với những tòa nhà cao tầng, khách sạn, khu buôn bán, phố Tây tấp nập.

Tuy vậy nhưng cảm giác ở trong nội thành với rất nhiều các di tích xung quanh cùng nhịp sống nhẹ nhàng của con người nơi đây thật sự khiến mình cảm giác như đang quay trở lại hàng trăm năm trước. Đặc biệt nội thành là khu phố bên trong thành cổ nên được quy hoạch cực kỳ đặc biệt với hình thức vuông vắn và hệ thống thủy đạo gồm các hồ, sông (Hộ thành hà) bao quanh kinh thành.

Hồ Tịnh Tâm
Hồ Tịnh Tâm

Rất may mắn mình quen được một người bạn ở Huế, nhà bạn ý ở trong nội thành, ngay đối diện Hồ Tịnh Tâm với phong cảnh cực kỳ đẹp. Hồ Tịnh Tâm đẹp nhất vào mùa hoa sen là khoảng tháng 4, tháng 5, nơi đây sẽ ngập tràn những bông sen trắng. Nếu vào đúng mùa bạn có thể chụp ảnh, ngắm hoa và mua sen tươi về làm quà, còn nếu không phải mùa sen, vẫn có rất nhiều sản phẩm từ sen như hạt sen khô, trà lá sen, tâm sen … tại đây nhé.

2. Cung đường đi Làng Hương – Lăng Tự Đức – Đồi vọng cảnh

Đây là cung đường gần trung tâm nhất, dễ đi nhất và các điểm du lịch gần nhau nhất. Trong đó 3 điểm du lịch hot nhất đó là Làng Hương Thủy Xuân, Lăng vua Tự Đức và Đồi vọng cảnh. Để chuyến đi được trọn vẹn nhất bạn nên đi 3 điểm này vào buổi chiều, theo thứ tự như sau:

Làng Hương Thủy Xuân

Làng hương Thủy Xuân cố đô Huế
Những sạp hương đủ màu sắc tại Làng hương Thủy Xuân

Nằm trên đường Huyền Trân Công chúa cách trung tâm Thành phố Huế khoảng 7km, Làng hương Thủy Xuân là một làng nghề truyền thống rất nổi tiếng với các sản phẩm như hương trầm, hương quế, nụ trầm. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là hình ảnh những sạp hương đầy màu sắc tuyệt đẹp mà ai đến cũng có ảnh đem về. Ngay trên mặt đường chính đã có rất nhiều sạp hương đẹp tha hồ sống ảo, nhưng nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn về nghề làm hương thì các bạn có thể đi sâu vào trong làng.

  • Giá vé: Miễn phí, tuy nhiên các bạn cũng nên mua hương về làm quà nhé.
  • Giờ mở cửa: Cả ngày
  • Thời gian tham quan: 15 – 30 phút (nếu chỉ chụp ảnh)

Lăng Tự Đức

Lăng mộ vua Tự Đức – vị Vua thứ tư của triều Nguyễn, còn gọi là Khiêm lăng nằm cách Làng hương chưa tới 1km. Vua Tự Đức là vị vua trị vì lâu nhất của triều đại nhà Nguyễn (khoảng 36 năm), chính vì vậy, Lăng Tự Đức là một trong những lăng được xây dựng cầu kỳ và hoành tráng nhất. Ngoài ra, khác với lối quy hoạch chủ đạo của thời phong kiến xưa là vuông vắn và đối xứng, vua Tự Đức vốn có tâm hồn thi ca đã cho xây dựng Lăng Tự Đức với những lối đi uốn lượn kết hợp với suối, hồ trong quần thể lăng tựa như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Lăng Tự Đức Cố đô Huế
Lăng Tự Đức
  • Giá vé: 150k (nếu mua lẻ, tuy nhiên các bạn có thể mua gộp cùng các di tích khác để được giảm giá)
  • Giờ mở cửa: Cả ngày
  • Thời gian tham quan: 1-2h.

Vua Tự Đức trước kia khi xây dựng lăng này đã đặt tên là Vạn Niên Cơ với mong muốn được trường tồn. Nhưng do quá trình xây lăng khiến cho dân chúng oán thán, binh lính nổi dậy khởi nghĩa. Vua Tự Đức, vốn là người đa sầu, đa cảm đã lấy chữ “Khiêm” để đổi tên cho công trình hàm ý nhìn lại chính mình và tự trách bản thân.

Đồi Vọng Cảnh Cố đô Huế

Rời khỏi Lăng Tự Đức vào khoảng 4h – 4h30 chiều các bạn đi khoảng hơn 1km là đến Đồi Vọng Cảnh để ngắm hoàng hôn. Vì vậy đây là cách đi phù hợp nhất cho cung đường này, xuất phát khoảng từ 1h30 chiều, đi Làng Hương – Lăng Tự Đức và ghé qua Đồi Vọng Cảnh vừa đúng thời điểm đẹp nhất trong ngày.

Đồi Vọng Cảnh chỉ là một khu vực đồi thấp, lại có bậc thang nên rất dễ đi, từ chân đồi chỉ đi khoảng 5-7′ là lên tới đỉnh đồi nơi có view nhìn xuống dòng sông Hương ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp. Dưới chân đồi có quán cà phê khá chill.

  • Giá vé: Miễn phí
  • Giờ mở cửa: Cả ngày nhưng thời gian đẹp nhất là vào sáng sớm ngắm bình minh hoặc chiều tối ngắm hoàng hôn
  • Thời gian tham quan: 30′ – 1h.

Chùa Từ Hiếu, Cố đô Huế

Nếu bạn là người yêu kính Thiền sư Thích Nhất Hạnh, chắc chắn sẽ chẳng xa lạ với Chùa Từ Hiếu bởi đây là nơi Thiền sư xuất gia và cũng là nơi ngài sống những năm cuối đời. Ngôi chùa với vẻ đẹp cổ kính, thanh bình và thơ mộng nằm khuất trên một rừng thông của thôn Thủy Xuân.

Chùa Từ Hiếu cũng nằm trên cung đường này, cách làng Hương khoảng 2km. Các bạn có thể kết hợp chùa Từ Hiếu vào một trong các điểm trên để tham quan (nhưng phải đảm bảo thời gian ngắm hoàng hôn nhé, đến muộn thì sẽ tắt nắng mất) hoặc đi riêng vì chùa Từ Hiếu rất gần, cách Trung tâm Thành phố chỉ khoảng 5km.

  • Giá vé: Miễn phí
  • Giờ mở cửa: Cả ngày
  • Thời gian tham quan: khoảng 1h

Có thể tới thăm chùa Từ Hiếu vào bất cứ thời gian nào, tuy nhiên nếu muốn ngắm cảnh thì cần tránh đến đây vào dịp lễ Vu lan (tháng 7 âm lịch) vì sẽ rất đông người tới làm lễ. Ngoài ra vào khoảng tháng 10 hoa lộc vừng sẽ nở, rụng đỏ mặt sân, mặt ao rất đẹp mắt, tuy nhiên mùi hoa lộc vừng có hơi khó chịu một chút nè.

Hoa lộc vừng rụng thắm chùa Từ Hiếu
Hoa lộc vừng rụng thắm chùa Từ Hiếu

Điện Hòn Chén

Điện Huệ Nam nằm trên núi Ngọc Trản thường được biết đến với tên gọi là Điện Hòn Chén hay Hoàn Chén do gắn liền với truyền thuyết trả lại chén ngọc cho vua Minh Mạng. Tuy vậy, Điện Hòn Chén là một ngôi đền thờ nữ thần của người Chăm đã có từ xa xưa, sau này được thờ thêm các vị Thánh Mẫu, Phật và hơn 100 vị thần thánh khác. Điện Hòn Chén nổi tiếng không chỉ là một ngôi đền linh thiêng mà còn là một di tích tôn giáo cũng như di tích kiến trúc phong cảnh đặc sắc.

Điện Hòn Chén thực chất nằm rất gần Đồi Vọng Cảnh và Lăng Tự Đức, chỉ cách dòng sông Hương. Tuy vậy, để đi tới Điện Hòn Chén lại xa hơn một chút với 2 đường đi chính là đi đường bộ men theo sông Hương khoảng 14km từ trung tâm hoặc đi đường thủy. Để đi qua sông đến điện Hòn Chén, bạn phải đi đường bộ tới Bến Than trên đường Huyền Trân Công Chúa. Tại đây sẽ có thuyền chở bạn sang sông, vé 30k/người và nhiều người bán cá phóng sinh, khi ra đến giữa dòng sông thuyền sẽ dừng để thả cá. Phần lớn mọi người thường đi đường bộ để thuận tiện, nhưng cảm giác đi thuyền đến điện Hòn Chén cũng rất thú vị.

Điện Hòn Chén
Khung cảnh nên thơ của Điện Hòn Chén từ bến thuyền
  • Giá vé: 50k.
  • Giờ mở cửa: Cả ngày
  • Thời gian tham quan: khoảng 1h

3. Cung đường đi Chùa Huyền Không Sơn Thượng

Chùa Huyền Không Sơn Thượng

chùa Huyền Không Sơn Thượng

Chùa Huyền Không Sơn Thượng nằm khá xa trung tâm thành phố (khoảng 13km), giữa rừng thông và đồi núi trập trùng. Được xây dựng vào năm 1989, ngôi chùa vốn không phải là một ngôi chùa cổ, thế nhưng so với rất nhiều di tích chùa cổ tại Huế, chùa Huyền Không Sơn Thượng vẫn rất được lòng du khách bởi không gian rộng mênh mông giữa rừng thông và khung cảnh rất đỗi thơ mộng nơi đây.

  • Giá vé: Miễn phí.
  • Giờ mở cửa: Cả ngày
  • Thời gian tham quan: khoảng 2-3h

Review chi tiết chùa Huyền Không Sơn Thượng tại đây

Cách chùa Thiên Mụ không xa là chùa Huyền Không 1 hay còn gọi là Huyền Không Sơn Trung để phân biệt với chùa Huyền Không Sơn Thượng

Chùa Thiên Mụ

Dù Huế có rất nhiều đền chùa, nhưng nổi tiếng nhất, trở thành biểu tượng của Thành phố Huế, nhất định phải kể đến Chùa Thiên Mụ và tòa tháp Phước Duyên.

Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ nằm trên đồi Hà Khê bên cạnh dòng sông Hương, với tầm nhìn ra sông rất thơ mộng. Chùa Thiên Mụ là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1601 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, gắn liền với truyền thuyết lập giang sơn của vị chúa Nguyễn đầu tiên, người đặt nền móng cho Vương triều Nguyễn sau này.

  • Giá vé: Miễn phí
  • Giờ mở cửa: Cả ngày
  • Thời gian tham quan: khoảng 30 phút – 1h

Ngay bên cạnh chùa Thiên Mụ có món tào phớ (tàu hũ) nước gừng rất nổi tiếng. Đứng từ chùa Thiên Mụ nhìn ra sông Hương thì hàng tào phớ nằm bên tay phải, sát bờ sông nhé.

Nhà vườn An Hiên, Cố đô Huế

Nằm cách chùa Thiên Mụ không xa là nhà vườn An Hiên với vẻ đẹp cổ kính được gìn giữ qua năm tháng, là biểu tượng cho kiến trúc nhà vườn Huế. Nhà vườn Huế là một nét đặc sắc trong Kiến trúc Việt Nam với hệ thống vườn cảnh và nhà cổ được xây dựng theo phong cách nhà rường Huế. Nhà vườn An Hiên vốn thuộc về công chúa thứ 18 của Vua Dục Đức, qua sự thăng trầm của thời đại, nay đã trở thành điểm tham quan di tích văn hóa nổi tiếng của cố đô Huế.

Lối vào Nhà vườn An Hiên rợp bóng cây
  • Giá vé: 20.000đ
  • Giờ mở cửa: Cả ngày
  • Thời gian tham quan: khoảng 30 phút – 1h.

4. Cung đường đi Lăng Khải Định – Lăng Minh Mạng – Lăng Gia Long

Lăng Vua Gia Long, Cố đô Huế

Lăng Hoàng đế Gia Long hay còn gọi là Thiên Thọ Lăng là lăng mộ vị vua đầu tiên của triều Nguyễn – vua Gia Long, tên húy là Nguyễn Phúc Ánh hay còn gọi là Nguyễn Ánh. Ông là người có công rất lớn trong việc thống nhất đất nước, kết thúc thời đại nội chiến kéo dài hàng thế kỷ. Tuy nhiên trong lịch sử, Vua Gia Long cũng chịu nhiều tiếng xấu do cầu cứu sự viện trợ của ngoại quốc để chống lại nhà Tây Sơn cũng như nhiều chính sách được cho là nguyên nhân dẫn tới việc suy tàn của chế độ phong kiến Việt nam.

Lăng mộ Vua Gia Long

Lăng mộ của Vua Gia Long nằm khá xa trung tâm Thành phố, có thể nói là điểm di tích xa nhất của thành phố Huế. Khác với các lăng khác, thường có tường bao quanh, Vua Gia Long chọn vị trí xây lăng nằm giữa rừng thông và các con sông, suối tạo thành ranh giới tự nhiên cho công trình. Lăng Vua Gia Long không quá lớn và nổi bật, tuy nhiên đặc biệt khi hoàng hôn buông xuống in bóng xuống hồ nước lại mang tới cảm giác rất nghiêm trang, tĩnh lặng.

  • Giá vé: 50.000đ
  • Giờ mở cửa: Cả ngày
  • Thời gian tham quan: khoảng 30 phút – 1h

Lăng Vua Minh Mạng, Cố đô Huế

Nằm khá gần với Lăng Gia Long là Lăng Vua Minh Mạng hay còn gọi là Hiếu Lăng là một trong những lăng tẩm đẹp nổi bật trong hệ thống di sản cố đô Huế. Tương truyền, nhà Vua muốn sau khi băng hà, sang thế giới bên kia vẫn được sống trong khung cảnh quen thuộc, vì vậy đã cho xây dựng lăng mộ của mình với lối kiến trúc tựa như Đại nội Hoàng cung. Chính vì vậy, nhiều người còn ví Lăng Minh Mạng như là một Đại nội thu nhỏ.

  • Giá vé: 150.000đ
  • Giờ mở cửa: Cả ngày
  • Thời gian tham quan: khoảng 1-2h

Đối với cá nhân mình, giữa rất nhiều lăng mộ các vị Hoàng đế tại Huế, lăng Minh Mạnh chính là nơi mình cảm thấy đẹp nhất, một vẻ đẹp vừa tráng lệ, vừa cổ kính, hài hòa giữa cảnh quan và các công trình.

Lăng Vua Khải Định, Cố đô Huế

Lăng Vua Khải Định hay còn gọi là Ứng Lăng là lăng mộ có diện tích khá nhỏ, chỉ khoảng hơn 0,5ha tuy nhiên lại cực kỳ cầu kỳ và tinh xảo. Chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phương Tây cũng như các nước lân cận, Vua Khải Định đã xây dựng Ứng Lăng không giống với bất kỳ lối kiến trúc truyền thống nào trước kia, mà là sự kết hợp của cả Việt Nam, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, … Chính vì vậy, rất nhiều người cho rằng đây là một công trình lố lăng, kệch cỡm và lố bịch, tuy nhiên không thể phủ nhận vẻ đẹp độc đáo của nó và sự công phu, khéo léo, tinh tế của nghệ thuật khảm sành sứ và thủy tinh màu.

  • Giá vé: 150.000đ
  • Giờ mở cửa: Cả ngày
  • Thời gian tham quan: khoảng 30 phút – 1h

Hồ Thủy Tiên

Công viên nước trên ngọn đồi Thiên An, hồ Thủy Tiên đã bị bỏ hoang từ năm 2004 đến nay, tuy nhiên đến năm 2016, sau khi xuất hiện trên một tờ báo của Mỹ, công viên nước bỏ hoang này ngay lập tức trở nên nổi tiếng bởi vẻ kỳ bí, ma mị và rùng rợn của nó.

  • Giá vé: Miễn phí
  • Giờ mở cửa: Cả ngày
  • Thời gian tham quan: khoảng 30 phút – 1h

5. Cung đường đi Biển Thuận An

Khoáng nóng Mỹ An

Kawara My An Onsen là khu vực resort bao gồm cả lưu trú và dịch vụ suối khoáng nóng. Tại đây có 2 loại hình tắm khoáng:

  • Tắm Onsen giá 350k: Đây là loại hình tắm suối khoáng nóng lưu huỳnh được xây dựng và vận hành theo phong cách tắm Onsen của Nhật, cũng là dịch vụ chính tại đây. Nước suối khoáng lưu huỳnh và các loại khoáng khác với nhiệt độ khác nhau có tác dụng tích cực trong việc điều trị các bệnh về tim mạch, xương khớp và chăm sóc da. Đặc biệt là tắm Onsen sẽ không mặc quần áo nhé. Nhưng mà vì nước khoáng lưu huỳnh có màu xanh nên khi ngâm mình xuống nước sẽ không bị lộ mấy đâu, các bạn yên tâm đi.
  • Ngoài ra còn có tắm kiểu địa phương với khoáng nóng và bùn giá 180k dành cho những ai hơi ngại với việc không mặc đồ.

Lưu ý khi tắm Onsen:

  • Khoáng lưu huỳnh có mùi khá hắc, tựa như trứng thối. Cũng may là các sản phẩm tắm gội tại Kawara đều có mùi cam, quýt rất dễ chịu và khử mùi khá tốt.
  • Tháo toàn bộ trang sức trước khi xuống bể để không bị đen do nhiễm lưu huỳnh. Ag2S kết tủa màu đen đó các (hóa học đó, ghê chưa haha)
  • Ngâm xong nên dần dần lên bờ theo từng bậc thang để máu lưu thông lên não, tránh bị choáng đối với những người bị huyết áp thấp.
  • Bộ Yukata mặc ngoài xinh xắn lắm nè.

Biển Thuận An

Chỉ cách trung tâm Thành phố Huế khoảng 15km, 30 phút đi xe là bãi biển Thuận An nơi có những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp. Bãi tắm đẹp, bờ biển thoải, sóng êm đềm cùng bờ cát trắng của bãi biển Thuận An sẽ là một lựa chọn tuyệt vời sau khi thăm thú những công trình di tích, lăng tẩm và đền chùa tại Huế. Nghỉ ngơi, tắm biển, ăn hải sản trên bờ cát sẽ là cái kết hoàn hảoi cho một hành trình khám phá cố đô Huế.

Rosie.A

Viết cho những bài học đã qua, viết cho những hành trình để nhớ, viết cho những nghĩ suy chưa bao giờ dừng.
Fb: www.facebook.com/august.sun.92/
Tiktok: www.tiktok.com/@august_sun92/

Recommended Articles

1 Comment

  1. […] Click để xem thêm các điểm du lịch khác tại Huế […]

Comments are closed.