Tôi thật lòng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi trekking, bánh bèo mà, trekking mệt lắm. Nhưng phúc lợi đính kèm cho một tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đó chính là được các anh dẫn đi Trekking Bù Gia Mập một chuyến. Mọi người đều háo hức lắm, lại động viên nhau là gần lắm, dễ đi lắm, đi có 2km thôi, đi trong rừng mát lắm, rồi thì là thác đẹp lắm, nước trong vắt… làm tôi cũng tặc lưỡi đi theo chứ thực ra trong lòng rén lắm hix hix.
Đấy, tôi đã bị lừa đi trekking như thế, và đến giờ, sau khi vượt qua hơn 8km đường rừng với đủ mọi loại địa hình, đối mặt với những nỗi sợ ám ảnh trong lòng, tôi cảm thấy thật may mắn vì bị lừa haha, ai đó hãy lừa tôi lần nữa đi ạ 😀
Mục lục
Chuẩn bị cho chuyến Trekking Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Sáng hôm ấy, sau khi đã làm hết các công việc thường nhật của tình nguyện viên, chúng tôi về sắm sửa, lên đồ chuẩn bị đi rừng:
- Mũ
- Áo khoác
- Giày hoặc ủng (đi giày thì sẽ đỡ đau chân hơn nhưng đi ủng lại có lợi những lúc đi qua suối)
- Bình xịt côn trùng
- Thức ăn (cho buổi trưa) – nên chuẩn bị những món đơn giản, gọn nhẹ như xôi, cơm nắm… đừng cầu kỳ nhé
- Nước uống (đối với người có nhiều kinh nghiệm đi rừng thì có thể uống nước suối nhưng với dân không chuyên thì tuyệt đối không nên nhé, rất nguy hiểm ạ)
- Đồ bơi để chơi ở thác hoặc suối trong rừng
- Một bộ đồ khô để dự phòng
Cơ bản chỉ có vậy và cũng nên mang đồ gọn nhẹ nhất có thể bởi đi rừng rất rất mệt ạ, lết được cái xác đi đã khó rồi lại còn vác thêm 10kg nữa thì chắc không nổi. Đừng như thằng em Quang Cường của đoàn tôi, nó tưởng tượng ra cảnh ngồi chill chill bên bờ suối thế là vác nguyên cả cái ghế gập, cái loa rồi một tỉ thứ nữa và cuối cùng nó cũng phải gánh hậu quả cho sự dại dột của tuổi trẻ kkkk
Nói thì hay lắm nhưng kỳ thực tôi chưa thấy cái đoàn nào đi trekking mà trông phèn như chúng tôi, mỗi bà chị Ly Lee là có sự chuẩn bị trông rất chuyên nghiệp, còn lại đứa thì xách túi nilon, đứa thì đeo bị, đứa thì đi giày mất đế, đứa thì mất dây giày … nói chung là rất lếch thếch hix hix. À may có cái áo đồng phục Tình nguyện viên Bù Gia Mập là đẹp hehe.
Bí kíp trekking rừng
Nhắc đến đi rừng thì nỗi sợ kinh hoàng nhất đối với tôi chính là con vắt ahuhu tôi thật không hiểu tại sao đời đã sinh ra tôi lại còn phải sinh ra con vắt làm gì. Mặc dù chưa bao giờ chạm trán con vắt nhưng tôi chỉ cần nghe đại danh nó qua mấy dòng miêu tả ngắn ngủi: hút máu, giống con đỉa, chui vào trong quần áo… là tôi đã thấy tôi và vắt kiếp này không đội trời chung rồi T-T.
Nhưng mà đáng buồn là đi rừng thì không thể không có vắt các bạn ạ. Mặc dù tôi đi vào mùa khô, không phải là mùa vắt hoành hành nên không có vắt lá (là mấy con vắt trên lá cây mà nhảy toán loạn khắp nơi á) mà chỉ có vắt ở dưới mặt đất. Dù mấy con này cũng kinh dị chẳng kém, và vẫn có khả năng nhảy tanh tách nhưng thôi, vẫn đỡ hơn phần nào ahuhu.
Trước nỗi sợ của tôi, anh Trọng, anh Tùng và chị Gái đã truyền cho tôi bí kíp đi rừng chống vắt chỉ trong 1 câu ngắn gọn: “Kín thì kín hẳn, hở thì hở hẳn”.
Nôm na là nếu đã xác định mặc kín thì phải kín từ đầu đến chân không có chỗ hở nào kẻo con vắt nó luồn được vào trong quần áo thì rất khó phát hiện và bắt ra, chỉ có cách để mặc cho nó hút máu. Còn ngược lại, hãy để hở hẳn một khoảng da thịt để cúng tiến cho lũ vắt, ví dụ như một khoảng bắp chân, để lũ vắt có miếng mồi ngon sẽ không chui vào những chỗ khác. Và ta chỉ cần lăm lăm bình xịt côn trùng canh mỗi cái khúc bắp chân đấy thôi, hễ con nào bám vào là xịt ngay một phát vào cái mồm loe của nó, nó sẽ chết ngắc ngay.
Mặc dù chị Gái đã hết sức khuyên tôi sử dụng phương pháp hở, rằng là nó hiệu quả hơn chứ kín thì cũng không thể kín được 100%. Ấy thế nhưng tưởng tượng có con vắt bám vào chân làm tôi sợ chết khiếp, thế nên tôi vẫn chọn phương án kín. Con gái nhà người ta phải kín đáo chứ hở là hở thế nào hehe
Và thế là tôi xắn quần lên một gấu (à để lừa lũ vắt đấy là chỗ để chui vào ý kkk) rồi lại lồng thêm một lớp tất cao cổ ở ngoài rồi chân đi giày bata được các anh chị cho mượn (thực ra là tôi có mang 1 đôi giày thể thao nhưng vừa đến Bù Gia Mập được 1 hôm đã bị rụng cả đế rồi ahuhu). Phía trên thì mặc áo khoác có cổ, trùm thêm một lớp khăn rồi lại một lớp mũ bên ngoài. Yên tâm là mình đã kín, lên đường chinh phục rừng xanh!
Các tour Trekking Bù Gia Mập
Rừng Quốc gia Bù Gia Mập có thảm thực vật phong phú với đủ các loại cây độc đáo, đặc trưng cho miền Tây Nam Bộ, thêm vào đó là địa hình đa dạng, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và hùng vĩ. Vì vậy các tour đi trekking Bù Gia Mập cũng rất đa dạng, cả về địa hình, điểm đến, quãng đường lẫn thời gian để các bạn lựa chọn. Ví dụ như các bạn có thể lựa chọn tour trong ngày hoặc 2 ngày để cắm trại qua đêm trong rừng, lựa chọn điểm đến là thác hoặc hồ nước, hay là lựa chọn đi qua địa hình rừng, trèo dốc, hay suối…
Để được tư vấn và đăng ký trekking Bù Gia Mập, các bạn có thể truy cập trang web hoặc fanpage chính thức của Vườn Quốc gia hoặc liên hệ trực tiếp với anh Hợi – Giám đốc trung tâm du lịch Vườn Quốc gia qua số điện thoại 097 8768578.
Trải nghiệm thực tế tour trekking Bù Gia Mập
Chặng 1 – đi xe máy xuyên rừng
Để đến được địa điểm trekking, từ Hero house, chúng tôi phải đi xe máy xuyên rừng theo con đường tỉnh lộ 741 – con đường huyết mạch kết nối Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Mặc dù không rộng nhưng con đường này cực kỳ bằng phẳng, dễ đi và rất đẹp với 2 bên là rừng rậm. Dưới những tán cây rừng, nhiệt độ nóng bức bên ngoài kia như giảm hẳn, chúng tôi háo hức tận hưởng không khí mát mẻ và chờ đón những thử thách phía trước.
Dừng chân tại một trạm kiểm lâm để gửi xe máy, chúng tôi được trèo lên tháp canh nhìn sang bên kia biên giới Campuchia. Như các bạn đã biết, Bình Phước là tỉnh giáp với Campuchia và lần này, chúng tôi thực sự đi tới nơi xa xôi nhất của tỉnh Bình Phước – biên giới Việt Nam – Campuchia. Khung cảnh nơi đây đẹp tới nỗi chúng tôi tranh nhau ngắm nghía và chụp ảnh suýt nữa quên mất cả hành trình phía trước.
Tại đây, chúng tôi còn được nói chuyện với các chiến sĩ kiểm lâm biên giới, chia sẻ những khó khăn của các anh khi phải công tác tại nơi xa xôi hiểm trở, xa nhà, xa gia đình,… rất nhiều, rất nhiều những khó khăn để bảo vệ rừng, bảo vệ Tổ quốc.
Chặng 2 – đi bộ đường rừng
Như các bạn đã biết về việc bị lừa kể trên, tôi bước vào cung đường trekking với đầy sự háo hức, phấn khởi rằng là chỉ đi 2,5km thôi. 2,5km chứ gì, cũng xa đấy nhưng mà cố tí thì cũng được, không đến nỗi. Nhưng phấn khởi chưa được bao lâu thì tôi phát hiện ra con đường dưới chân tôi đi đầy lá cây – và vắt ahuhuhu. Chuyện này dù sao tôi cũng đã có chút chuẩn bị tâm lý trước, nhưng tôi làm sao lường được việc vừa đi chưa được bao lâu thì một con ong mù đường nó lao thẳng vào mặt tôi, để lại một vết sưng u đỏ tấy ngay thái dương. Các anh bảo đấy là nó còn chưa đốt đâu, mới đâm vào đầu tôi thôi đấy chứ nó mà đốt thì còn sưng to hơn T-T. À con Trang hí thì bị ong đốt thật, đốt vào tay sưng u, các anh bảo vầy cũng tốt, sau này khi bị loại ong đấy đốt nữa nó sẽ có kháng thể rồi, xịn xịn, cơ mà tôi vẫn xin là không bao giờ bị đốt nữa ahuhu.
Ngoài vắt và con mặt ngu ong kia thì trong rừng nhiều cái hay lắm, bao nhiêu là những loại nấm, loại hoa dại tuyệt đẹp rồi còn được các anh chỉ cho rất nhiều các kiến thức về thực vật rừng, về các loài cây cổ thụ đặc trưng của rừng Bù Gia Mập.
Cây cheo leo nghệ có lớp gỗ màu nghệ vàng tươi, cây bằng lăng nước có hoa thật là đẹp, cây tung với tán cây cao vút lấp lánh trong ánh nắng, lại cả cây Kơ nia huyền thoại trong những bài hát về Tây Nguyên. Ahuhu giá mà tôi không phải bận tâm về lũ vắt và chỗ đau nhức thì tôi nhất định sẽ tận hưởng được nhiều điều thú vị từ thiên nhiên hơn.
Chặng 3 – lội suối
Vượt qua cánh rừng, chúng tôi được trải nghiệm đu dây giữa rừng để ra được bờ suối. Tôi cũng không biết phải gọi chính xác nó là gì nữa, đại khái là một dạng đu dây có ghế ngồi haha. Trải nghiệm yomost lắm ạ, đu dây thẳng từ bên kia rừng tới bờ suôí trong vắt, lại đang mùa bướm rừng, đàn bướm bay vụt lên khi chúng tôi chạy qua.
Nhiều người sẽ thích đi đường rừng hơn đi đường suối bởi lẽ trong rừng rất mát mẻ, còn bờ suối không được che chở bởi tán cây nên rất nắng nóng. Nhưng tôi thì thích suối hơn, bởi lẽ giữa không gian thoáng đãng này, tôi không còn phải lo sợ về vắt hay những động vật kỳ lạ trong rừng, ahuhu thật là nhẹ lòng mà.
Ấy thế nhưng đoạn đường suối này, tôi lại là người đi chậm gần nhất đoàn. Nguyên do là bởi trong rừng vì sợ vắt nên tôi đi rất nhanh, đi vèo vèo luôn để nhanh tới đích, còn ở suối thì sợ ướt giày nên đi chậm hix hix. Trong khi anh em người thì nhảy xuống suối đi cho nhanh, người thì bị ngã xuống nước, chung quy là ướt giày hết cả rồi thì tôi vẫn bước lên từng hòn đá để giữ được danh hiệu người duy nhất không bị ướt giày cùng với sự rón rén, cẩn trọng hết mức và sự giúp đỡ của một vài anh em khác kkk.
Vậy nên nếu muốn đi nhanh trên đường suối thì có lẽ mang một đôi ủng vẫn là sự lựa chọn tốt nhất nha.
Chặng 4 – trạm kiểm lâm và về đích
Sau khi trải qua 2 cung đường trên, chúng tôi đã mệt nhoài khi mà đi mãi, đi mãi vẫn thấy các anh bảo là sắp đến rồi trong khi đã vượt qua cái số 2,5km từ lâu. Đúng lúc tưởng chừng như không thể đi nổi nữa thì trước mặt chúng tôi, là lá cờ Việt Nam bay phấp phới! Một trạm kiểm lâm giữa rừng, một cái phao cứu chúng tôi giữa lúc đuối sức, lá cờ Việt Nam mà tôi nhìn thấy khi ấy, có lẽ là một trong những lá cờ đẹp nhất trong tôi, rực rỡ nhất, xúc động nhất!
Nghỉ ngơi tại đây một lát, chúng tôi tiếp tục đi qua một đoạn đường rừng và một trạm kiểm lâm nữa là tới đích. Đích đến là một hồ nước xanh trong vắt giữa rừng cây với vẻ đẹp tuyệt mỹ. Quả thực là đáng, rất đáng. Bao nhiêu vất vả, khó khăn, mệt nhọc để đến được đây đều rất xứng đáng.
Khi ấy đã qua trưa, gần 1h chiều, chúng tôi đói và mệt tới độ không còn sức để ngắm cảnh nữa, phải ngay lập tức lôi đồ ăn ra đánh chén. Bữa trưa chỉ có xôi, cơm nắm và vừng mà đứa nào cũng ngấu nghiến ăn trong sung sướng, vậy nên tôi mới bảo chỉ cần chuẩn bị món gì gọn nhẹ thôi, không cần cầu kỳ mà, vì lúc đấy ăn gì cũng thấy ngon hết haha.
No bụng rồi mới thảnh thơi nhìn ngắm xung quanh, tận hưởng sự kỳ diệu của thiên nhiên. Quanh hồ còn có một số vật dụng thiết yếu như bếp, ấm đun nước, có cả một chiếc xích đu ra giữa hồ (yomost lắm ạ), xa xa còn có lán trại, thế nhưng chẳng đứa nào vào lán cả.
Mấy đứa cứ nằm dài trên những phiến đá mà trầm trồ vẻ đẹp của bầu trời xanh, của những tán cây rừng vươn cao như chạm tới mây. Vào lúc ấy, tôi cũng phần nào hiểu được tại sao người ta lại bỏ ra nhiều công sức đến vậy chỉ để ngắm một khung cảnh đẹp? Bởi lẽ không chỉ là một khung cảnh, mà đó là một cảm giác rất tuyệt diệu, khi vượt qua bản thân, như khi chạm tay vào một báu vật được cất giấu giữa rừng xanh.
Chặng 5 – leo dốc
Các anh bảo làm gì thì làm phải ra khỏi rừng trước 4h chiều, bởi trong rừng trời sẽ tối sầm xuống rất nhanh. Mà cũng bởi đoàn trekking siêu phèn đi quá chậm nên các anh quyết định dẫn bọn tôi đi về bằng con đường ngắn nhất. Được cái này thì phải mất cái kia, đổi lại, chúng tôi phải đi con đường siêu dốc. Anh Tùng cấp cho mỗi đứa một cái gậy leo núi tự chế, thế là cả lũ lên đường.
Ahuhu đã cầm túi nilon lại còn phải leo dốc bò cả tay cả chân thì cái độ phèn nó tăng lên gấp đôi các bạn ạ. Nhưng thú thật lúc này quá mệt rồi, chẳng ai quan tâm phèn hay không nữa, chỉ muốn mau chóng ra khỏi rừng trước 4h thôi. Thề là mấy đứa chúng tôi vác mỗi xác thôi mà đến thở còn không ra hơi, thế nhưng anh Tùng anh Trọng vừa leo vừa kéo, vừa vác đồ hộ lại còn phải luôn miệng cổ vũ động viên suốt cả dọc đường đi. Cảm ơn 2 anh lắm lắm ạ, không có 2 anh chắc chúng nó ở lại làm người rừng luôn mất 😀
Kết thúc hành trình trekking Bù Gia Mập
Hành trình trekking Bù Gia Mập kết thúc tại ngay địa phận giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Phước và Đak Nông. Chuyến đi thành công tốt đẹp khi cả đoàn trở về an toàn, không mất mát gì, à trừ con Trang chó có đôi giày bị rụng đế kkkk. Lên đến nơi đi xe máy trở về còn bị thủng lốp, đúng là cái đoàn rắc rối này, không được một cái nước gì luôn ahuhu.
Đây cũng là ngày cuối của chúng tôi ở Bù Gia Mập, sáng hôm sau là lên đường về Thành phố Hồ Chí Minh rồi và chuyến đi này cũng là món quà chia tay của anh Trọng, anh Tùng dành cho chúng tôi. Cảm ơn các anh rất nhiều, cảm ơn Bù Gia Mập vì tất cả mọi thứ và hẹn gặp lại vào một ngày không xa nhé!
[…] Tình nguyện viên cứu trợ động vật hoang dã Bù Gia Mập, Bình Phước […]