TNV cứu hộ động vật hoang dã tại Bù Gia Mập, Bình Phước

TNV cứu trợ động vật hoang dã Bù Gia Mập

Tình cờ biết đến hoạt động tuyển tình nguyện viên (TNV) cứu trợ động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước và rất may mắn có cơ hội tham gia ngay trong tháng 3. Bọn mình, những bạn trẻ (và không còn trẻ lắm) đến từ mọi miền đất nước đã xách ba lô hào hứng lên đường. Bù Gia Mập đã đối xử với bọn mình quá tốt, những con người đáng mến nơi đây, hoạt động tình nguyện ý nghĩa, những loài động vật hoang dã, hoà mình vào thiên nhiên, … tất cả đã cho mình những ngày tháng tuổi trẻ ý nghĩa và rực rỡ. Trước khi viết chi tiết, mình xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các anh chị, cô chú ở Bù Gia Mập, những người tổ chức chương trình và cả những người bạn đã cùng mình trải qua những ngày tháng vất vả mà đầy niềm vui này <3.

TNV Bù Gia Mập

Chương trình TNV cứu hộ động vật hoang dã là gì?

Trước khi hướng dẫn đăng ký chương trình, mình muốn các bạn hiểu rõ và ý thức được đây là chương trình làm tình nguyện viên, tức là đi làm việc chứ không phải đi chơi. Vậy nên nếu các bạn còn có suy nghĩ tới đây để chơi, để du lịch hay nghỉ dưỡng thì xin hãy bỏ suy nghĩ đó đi trước khi đọc tiếp nhé.

  • Công việc chính: chăm sóc các loài động vật hoang dã đã được cứu hộ tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ngoài việc vệ sinh chuồng trại, cho ăn, thì còn ti tỉ các việc khác mà tin mình đi, bạn chỉ có mệt không làm nổi chứ không bao giờ hết việc.
    Công việc có nguy hiểm không thì mình xin trả lời là có, vì tất cả đều là động vật hoang dã, lại ở trong khu vực rừng rậm hẻo lánh vậy nên có rất nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên các bạn yên tâm, chỉ cần chú ý tuân thủ hướng dẫn của các anh chị, cô chú tại Vườn quốc gia là ok thôi nè.
  • Ý nghĩa của chương trình: nâng cao nhận thức của các bạn trẻ và góp một phần công sức vào việc bảo vệ môi trường và động vật hoang dã.
  • BTC chương trình đã xây dựng một căn nhà gỗ hết sức dễ thương và đầy đủ các tiện nghi cơ bản cho các TNV, nơi mà chúng mình gọi là Hero house. Tại đây có 8 giường ngủ với đầy đủ chăn, ga, gối đệm, màn (mà mỗi TNV sẽ giặt giũ sạch sẽ trước khi rời đi); 02 nhà vệ sinh sạch đẹp; khu bếp với đầy đủ bát đũa, nồi niêu xoong chảo để các bạn nấu ăn; bàn ăn và một không gian sinh hoạt chung rất rộng rãi. Ngôi nhà thực sự rất đẹp, tiện nghi và là công sức đóng góp của rất nhiều nhà hảo tâm, vậy nên nếu đã vào ở Hero house, chúng ta hãy cùng giữ gìn ngôi nhà chung này nhé.

Lần đầu tiên đến đây mình đã phải trầm trồ trước ngôi nhà chung xinh đẹp nằm giữa thiên nhiên xanh mướt này. Chỉ cần hé cửa sổ ra là thấy những tán điều rung rinh, đong đưa trong nắng, mọi thứ đẹp như một bức tranh.

  • Chi phí: Các bạn chỉ cần lo chi phí đi tới Bù Gia Mập và ăn uống trong thời gian ở tại đây, còn lại không phải chi trả một khoản phí nào khác. Nhóm mình ăn khá nhiều và cũng chỉ hết cỡ 500k cho 1 tuần.

Cách đăng ký tham gia chương trình

  • Điều kiện cơ bản: Là công dân Việt Nam tuổi từ 22-40 (nếu là trẻ nhỏ cần có Cha hoặc Mẹ tham gia cùng và đảm bảo các giấy tờ cần thiết), có sức khoẻ tốt.
  • Thời gian: tối thiểu 01 tuần. Không giống như hoạt động bảo tồn rùa biển chỉ diễn ra vào thời gian rùa đẻ trứng, cứu hộ động vật hoang dã là hoạt động thường nhật, xuyên suốt cả năm trừ những trường hợp đặc biệt như dịch covid vừa qua, vì vậy bạn có thể thoải mái đăng ký tuỳ theo khả năng của mình nhưng phải đảm bảo tuân thủ thời gian đã đăng ký. Trừ những trường hợp bất khả kháng phải báo lại cho BTC, nếu không tuân thủ thời gian bạn sẽ không có cơ hội tham gia nữa.
  • Điền đầy đủ các thông tin theo Link đăng ký.
  • Theo dõi group của chương trình tại đây để cập nhật thông tin chính xác và kịp thời nhất.

Hướng dẫn di chuyển đến Bù Gia Mập

Chú Trung (người sáng lập Hero house) đã có hướng dẫn rất chi tiết về di chuyển. Vì Bù Gia Mập là huyện xa nhất của Bình Phước nên thực sự không có nhiều xe, nhà xe Chín Tèo xuất phát từ tp HCM lúc 8h sáng có lẽ là lựa chọn hợp lý nhất.

Cơ mà mình giá cả xe hơi thất thường, dưới bến báo một kiểu mà lên xe thu một kiểu làm bọn mình hoang mang không hề nhẹ nhưng kiểu nó vậy á, ai người ta cũng thu như vậy hix. Thêm nữa xe dừng đón khách trả khách, nhận hàng trả hàng liên tục nên hơi mệt nha.

Sau này mình được một bạn TNV khác giới thiệu thêm nhà xe Mai Huy Thanh cũng chạy tuyến tp HCM – Bù Gia Mập nhưng xuất phát từ tp HCM lúc 11h30, khoảng 5h chiều đến Bù Gia Mập – sđt 0983719311. Các bạn có thể cân nhắc lựa chọn nhé.

Cần chuẩn bị gì khi đến Bù Gia Mập

Nếu bạn đã nhận được email chấp thuận thì xin chúc mừng, bạn sắp có một quãng thời gian tuyệt vời tại Bù Gia Mập, còn sau đó, hãy bắt tay vào chuẩn bị những hành trang cần thiết để lên đường ngay thôi.

Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, giáp với Tây Nguyên và Campuchia. Chính vì vậy thời tiết tại Bù Gia Mập có phần giống Tây Nguyên với 4 mùa trong một ngày, sáng se lạnh như mùa xuân, trưa nắng gay gắt như mùa hè, xế chiều man mát như mùa thu và buổi đêm lạnh như mùa đông. Tuy vậy, khoảng thời gian tháng 3 mình tới Bù Gia Mập, ban ngày thời tiết khá nắng nóng nhưng buổi chiều lại hay mưa dông và se lạnh.

Trang phục

  • Quần áo: Nhất thiết phải mang quần áo dài tay vì các công việc tại Bù Gia Mập đều là công việc lao động tay chân, quần áo dài tay là cần thiết để tránh bị cháy nắng và ngứa bởi muỗi đốt hay cây cỏ rậm rạp. Nếu có mấy bộ quần áo lao động làm nông thì mang đi luôn càng tốt nhé.
    Mình thì thích mặc áo phông kèm áo khoác ngoài cho thoải mái và sạch sẽ. Trang bị thêm găng tay chống nắng nếu bạn muốn mặc chiếc áo phông xanh siêu xinh của chương trình.
Màu áo xanh tình nguyện
  • Mũ: Cũng nhất định phải có để chống nắng và đi rừng nha. Tại Bù Gia Mập mọi người cũng có vài chiếc nón nhưng vẫn nên tự chuẩn bị mũ cho mình, mũ vải rộng vành là tốt nhất.
  • Giày thể thao để làm việc hoặc đi rừng. Thực ra khi làm việc thì mình thường đi ủng nhựa được Trung tâm cứu hộ sinh vật trang bị cho để tránh bị ướt và an toàn hơn nhưng vẫn nên có giày để phòng trường hợp không còn đôi ủng nào vừa với bạn nha. Chị cùng đoàn mình có mua một loại ủng nhựa bao ra ngoài giày thể thao rất tiện dụng và dễ thương nữa.
  • Dép để đi lại loăng quăng những khi không làm việc.
Trang bị cực xịn của chị Ly Le

Đồ dùng cá nhân:

  • Các đồ dùng thông thường như: bàn chải, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội,…
  • Khăn tắm, khăn mặt
    (Mang đi cho yên tâm nhưng nếu không thì bạn có thể mua ở chợ gần nhà, có đầy đủ mọi thứ nhé)
  • Kem chống nắng, thuốc xịt công trùng

Rất cảm ơn các bạn TNV đi trước đã ghi lại những vật dụng cần chuẩn bị cho bọn mình trước khi đến ạ!

Ăn uống

Ngay gần Vườn Quốc gia có chợ Bù Gia Mập với đầy đủ các loại rau củ quả, thịt cá rất tiện cho việc nấu nướng. Nên đi chợ sớm vào khoảng 6h-6r sáng để mua được thực phẩm tươi ngon nhất nhé.

Chợ Bù Gia Mập

Chợ cũng có bán đồ ăn sáng như hủ tiếu (khá ngon đấy ạ), cơm rang, bánh mỳ,… để ăn sáng rất rẻ. Và một số món ăn sẵn như cháo, gỏi vịt, vịt nướng, bánh tráng trộn,…

Nhìn chung ở Bù Gia Mập ăn uống rất dễ nên không cần phải chuẩn bị gì trước đâu nhé.

Công việc cụ thể của TNV cứu hộ động vật hoang dã tại Bù Gia Mập

Công việc của TNV sẽ bắt đầu vào khoảng 7h30 – 10h30 sáng và 13h30- 16h chiều. Trước mỗi buổi làm việc, cả nhóm TNV sẽ ngồi cùng các anh chị tại Trung tâm cứu hộ sinh vật uống nước, trò chuyện một chút và chia các công việc thường nhật phải làm, thường sẽ chia làm 3 nhóm: cắt cỏ cho hươu nai, chăm sóc thú và cho heo ăn.

Để các bạn hình dung rõ ràng công việc của một TNV tại Bù Gia Mập mình sẽ viết chi tiết tại đây nhé, hy vọng sẽ giúp các anh chị tại Vườn Quốc gia đỡ mất công sức và thời gian hướng dẫn hơn một chút

Công việc thường xuyên

Chăm sóc thú

Các loài động vật hoang dã sau khi được giải cứu sẽ mang về Trung tâm cứu hộ sinh vật để chăm sóc, chữa lành các vết thương nếu có và huấn luyện các kỹ năng sinh tồn ngoài môi trường hoang dã trước khi được thả về rừng. Vì vậy, ở đây có khoảng 10 chuồng thú khá giống trong các công viên với đủ các loài như: rái cá, mèo rừng, khỉ, vượn, trăn, công, diều hoa,… Tuy nhiên do nhiều con vật bị thương hoặc đã mất khả năng sinh sống ngoài tự nhiên buộc phải nuôi vĩnh viễn nên quy mô chuồng thú và công việc của các anh chị tại đây ngày một nhiều.

Công việc ở chuồng thú thường sẽ do chị Gái, anh Trọng hoặc anh Tùng hướng dẫn. Các loài thú khá nghịch ngợm, thậm chí là nguy hiểm, vì vậy các bạn cần tuyệt đối nghe theo hướng dẫn của các anh chị nhé.

Một chú Khỉ đuôi lợn bị cụt chân do dính bẫy đang được chăm sóc tại Bù Gia Mập
Xịt chuồng thú

Mỗi buổi sáng đều cần làm vệ sinh chuồng thú để tránh cho thú khỏi bị nhiễm bệnh. Nói vậy thôi nhưng không cần trực tiếp vào chuồng thú đâu ạ, mình sẽ dùng một vòi nước lớn, xịt từ bên ngoài cho thức ăn thừa từ hôm trước, chất thải của động vật thoát ra ngoài. Tiện thể cho nước vào ca của từng chuồng để thú uống nước luôn.

chuồng thú
Xịt chuồng thú bằng vòi nước

Xịt chuồng thú thì khá mát mẻ, có thể là hơi mát quá nếu không cẩn thận bị xịt nước vào người :)), nhưng vẫn cần chú ý đội mũ để đỡ bị mấy con vượn giật tóc, đi ủng để đỡ bị ướt chân nữa.

Cho thú ăn

Ai cũng phải cho thú ăn một lần để thấy động vật tại Bù Gia Mập được yêu thương thế nào.

Mỗi buổi sáng sau khi xịt chuồng sạch sẽ, chúng sẽ được ăn một bữa bao gồm rau và hoa quả. À trước đó chúng ta phải đi hái rau và hoa quả đã nhé, rau thì thường hái ngay trước bữa ăn còn hoa quả có thể hái từ hôm trước để tủ lạnh hoặc chị Gái sẽ mua một số loại ở đây không trồng được. Ở đây trồng rất nhiều hoa quả, chủ yếu là roi (miền Nam gọi là mận), đu đủ và chuối, ngon lắm, nhưng không được ăn đâu vì phải để dành cho thú ahuhu. Chỉ có quả nào mà trong lúc hái bị rơi, bị dập nát mà thú nó không thèm ăn thì bọn mình mới được ăn thôi hix.

Buổi chiều thú lại có chế độ ăn khác để đảm bảo đủ dinh dưỡng bao gồm cơm và trứng hoặc thịt gà. Công việc của TNV sẽ là lấy cơm cùng trứng, thịt đã được nấu, để nguội, trộn đều và nặn thành 24 viên cho 12 con thú (mỗi con 2 viên). Không biết đến giờ quân số đã tăng lên chưa nhỉ?

Chế độ ăn giàu dinh dưỡng buổi chiều

Làm việc trong chuồng thú sẽ được nghe các anh chị kể chuyện, giới thiệu về từng con vật, đặc điểm mỗi loài như một tiết học sinh học. Rồi nguồn gốc của từng con vật, có em vượn mất một chân do bị dính bẫy, rồi có em khác nhỏ xíu là nạn nhân của việc mua động vật để phóng sinh nhưng không hiểu rõ về đặc điểm từng loài khiến chúng gặp nguy hiểm,… đây chính là những bài học mà chương trình muốn mỗi người sau khi đến đây đều hiểu hơn và có ý thức hơn về việc bảo vệ động vật hoang dã.

Cắt cỏ

Ở Bù Gia Mập có một chuồng lớn nuôi các loại hươu, nai, bò,… ăn cỏ nói chung. Vì vậy mỗi ngày đều phải cắt cỏ để cho ăn. Sáng và chiều 2 lượt, mỗi lượt 2 xe cỏ.

đồng cỏ Bù Gia Mập
Bãi cỏ xanh mướt đẹp ngất nè

Người phụ trách việc cắt cỏ là chú Hùng, chú vốn là người Campuchia, tên là Thạch Rum (mình nghe chú kể thế chứ cũng không chắc viết có đúng ko). Năm 1971, do nạn diệt chủng Pol Pot, chú khi ấy mới 14 tuổi theo gia đình chạy qua biên giới Việt Nam và được Chính phủ Việt Nam giúp đỡ, cho chú nơi ở, công việc, quyền công dân và một cái tên Việt Nam: Nguyễn Mạnh Hùng.

Ông vua trên đồng cỏ Bù Gia Mập 😀

Chú Hùng năm nay đã hơn 61 tuổi nhưng vẫn làm việc trên đồng cỏ mỗi ngày. Chú rất hay kêu mệt, nhưng không phải mệt vì làm việc mà mệt vì mấy đứa TNV nghịch ngợm hay trêu chú làm chú phải thốt lên: “Tao mệt quá à” với nụ cười móm mém hiền lành dễ thương nhất trần đời. Mà chú mệt cũng phải thôi, vì có bao nhiêu đứa TNV thì bấy nhiêu đứa đòi trèo lên con xe cắt cỏ hàng thửa của chú. Chỉ chụp ảnh nghịch ngợm thôi thì đã đành, chúng nó còn đòi chạy xe luôn. Làm chú vừa phải chạy đuổi theo hết hơi, lại còn phải xử lý hậu quả tuột xích cong vành cho chúng nó. Ấy thế mà đứa nào chú cũng chiều, kiên nhẫn đứng đợi chúng nó nghịch ngợm, chỉ cười hiền buông câu “Tao mệt quá à” quen thuộc :))

xe cắt cỏ
Chú còn cho ngồi lên xe cỏ nữa nè, thích lắm luôn

Hừm nhưng mà làm gì thì làm vẫn phải cắt về được 4 xe cỏ mỗi ngày nha. Thực chất chú Hùng đã dùng máy cắt sẵn cỏ rồi, công việc của mình chỉ là dùng cào gom cỏ lại thành đống rồi bốc lên xe, chất đầy như đống rơm rồi mang về chuồng cho hươu nai ăn. Đi cắt cỏ thường nắng và bị rậm ngứa do cỏ cứa vào người, vì vậy phải đảm bảo mặc áo dài tay, đeo găng tay cẩn thận nha.

Cho heo + gà ăn

Ngoài việc cứu hộ và bảo tồn, trung tâm còn có nhiệm vụ phát triển sinh vật bằng việc trồng, chăm sóc các loài thực vật, trái cây và nuôi các loài gia cầm, heo … để phục vụ cho công tác cứu hộ và chi trả thêm kinh phí hoạt động. Cũng giống như những động vật khác, heo và gà cũng được ăn 2 bữa vào mỗi buổi sáng và buổi chiều.

Để làm thức ăn cho heo, mình sẽ phải đi chặt chuối, hái rau rồi sử dụng máy để cắt nhỏ. Sau đó trộn cùng cám và ngô rồi cho heo ăn. Trước khi cho ăn cần quét sạch máng cho heo, sau khi làm xong cũng phải quét dọn sạch sẽ khu vực trộn cám nhé.

Số lượng động vật hoang dã ngày một nhiều vì vậy nên rất cần sự giúp đỡ và ủng hộ của mọi người. Thịt heo, thịt gà, trứng gà tại Trung tâm đều đảm bảo ngon và sạch, do chính tay chúng mình chăm sóc nè!

Công việc khác

Sau khi làm xong những công việc thường nhật ngày nào cũng phải làm như trên, mọi người sẽ nghỉ ngơi một chút và tiếp tục làm những việc không cố định khác. Khi thì là trồng rau muống, khi thì là cắm cọc để trồng chuối, sạt cỏ chuối, hay nhặt hạt điều, nhặt trứng gà…

Những hoạt động khác tại Bù Gia Mập

Ngoài những phút đổ mồ hôi lao động thì tại Bù Gia Mập còn có rất nhiều hoạt động khác. Ví dụ như:

  • Tham quan nhà dài của người dân tộc Sting, đạp vịt và dạo chơi ngay trong Vườn Quốc gia
Nhà dài của người dân tộc Sting – mấy đứa này không phải người Sting nhé ạ 😀
  • Soi thú đêm: vào rừng buổi đêm, nếu may mắn sẽ gặp được thú rừng, à mình thì không may cho lắm :)). Hoặc quan sát các loài thú ăn đêm ngay tại Trung tâm như cu li (bắt ve cho cu li ăn), cheo cheo,…
  • Đi thác Đăk Mai: Thác Đăk Mai chỉ cách Vườn Quốc gia khoảng 10km, nước rất trong và mát, thích hợp để khám phá sau ngày làm việc. Thác Đăk Mai giống hệt như phiên bản thu nhỏ của thác Dray Nur Tây Nguyên luôn á 😮
Thác Đak Mai
  • Trekking rừng Bù Gia Mập: Rừng Quốc gia Bù Gia Mập rộng hơn 25.000 hecta với nhiều cảnh quan hùng vĩ và hệ thực vật đa dạng. Đi trekking trong rừng là một trải nghiệm thực sự tuyệt vời.
  • Chúng mình may mắn đến Bù Gia Mập vào tháng 3 là mùa hạt điều chín, nên được các anh chị cô chú tổ chức một buổi nướng điều cực kỳ thú vị. Đây cũng là lần đầu tiên mình được ăn hạt điều tươi, ngon và đặc biệt lắm luôn ạ.

Tất cả các hoạt động khác đều phải được sự đồng ý và hướng dẫn của các anh chị, cô chú tại Vườn Quốc gia các bạn nhé. Thực tế thì công việc của các anh chị khá bận và vất vả, vậy nên mình cùng các bạn đến đây đều rất cảm ơn mọi người đã dành thời gian kiên nhẫn giải thích, hướng dẫn và cùng bọn mình trải qua 1 tuần vui và đầy ý nghĩa tại Bù Gia Mập.

Cuối cùng, mình chỉ biết nói cảm ơn một lần nữa, vì tất cả những gì các cô chú, anh chị đã làm cho bọn minh nói riêng và cho thế hệ trẻ, cho môi trường nói chung. Hy vọng sẽ có dịp quay lại Bù Gia Mập một lần nữa, và cũng hy vọng tất cả mọi người nếu có 1 tuần, hãy chọn Bù Gia Mập nhé, tin mình đi, đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời!

Rosie.A

Viết cho những bài học đã qua, viết cho những hành trình để nhớ, viết cho những nghĩ suy chưa bao giờ dừng.
Fb: www.facebook.com/august.sun.92/
Tiktok: www.tiktok.com/@august_sun92/

Recommended Articles

5 Comments

  1. […] sẽ đi trekking, bánh bèo mà, trekking mệt lắm. Nhưng phúc lợi đính kèm cho một tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đó chính là được các anh dẫn đi Trekking Bù Gia […]

  2. […] đây có các chuồng thú (mình vừa đi Bù Gia Mập về nên thấy chuồng thú này không ăn thua hehe), hồ câu cá sấu, khu cắm trại […]

  3. […] đi đặc thù thì phải mang thêm những đồ khác, ví dụ như chuyến đi làm Tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã, mình phải mang thêm các đồ bảo hộ như găng tay, […]

  4. […] Trên ảnh là một chú diều hoa giống với loài diều hoa mình đã gặp tại Trung tâm cứu trợ động vật hoang dã Bù Gia Mập […]

  5. […] trụ thật là kỳ diệu, khi mà mới chỉ cuối tháng 3/2022, trong chuyến đi làm tình nguyện viên cứu trợ động vật hoang dã tại Bù Gia Mập, mình mới chỉ đứng nhìn xa xa sang bên kia biên giới Campuchia và còn chưa có […]

Comments are closed.